Người lái đò sông Đà

1967
5/5 - (1 bình chọn)

Người lái đò sông Đà là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân (thể loại tùy bút) viết về dòng sông Đà và người lao động tài hoa, trí dũng. Đây cũng là tác phẩm nằm trong hệ thống kiến thức Ngữ văn 12. Để giúp các bạn ôn thi đại học môn văn, thì bài viết dưới đây sẽ khái quát các nội dung học sinh cần nắm được khi nghiên cứu tác phẩm này.

Đôi nét về Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là nghệ sĩ yêu cái đẹp và luôn đi tìm cái đẹp. Ông được biết đến là bậc thầy trong thể loại tùy bút hiện đại của nền văn học Việt Nam. Với phong cách nghệ thuật tài hoa cùng khả năng biến hóa câu chữ Nguyễn Tuân đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Nặng lòng với quê hương, ngòi bút của Nguyễn Tuân luôn hướng đến vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam. Đó là một vẻ đẹp thuần khiết nhưng rất đỗi chân quý. Nếu độc giả biết đến một Nguyễn Tuân “ngông” với văn chương thời trước cách mạng tháng Tám. Thì sau cách mạng đọc giả được thấy một phong cách nghệ thuật mới – một ngòi bút hướng về cái đẹp của những con người bình dị nhưng tiềm ẩn vẻ đẹp phi thường.

Giới thiệu chung về Người lái đò sông Đà

Người lái đò sông Đà in trong tập tùy bút Sông Đà được sáng tác 1960 nhân chuyến đi thực tế đến vùng Tây Bắc để tìm chất vàng mười của thiên nhiên cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn của con người lao động mới nơi đây. Người lái đò sông Đà – một trích đoạn ngắn nhưng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám.

Nội dung – Nghệ thuật tiêu biểu của Người lái đò sông Đà

– Về nội dung: 

– Hình tượng sông Đà: Con sông Đà sừng sững ngoài thiên nhiên vào những trang ký tài hoa của Nguyễn Tuân biến thành một sinh thể sống động với hai nét tính cách – vừa hung bạo vừa trữ tình.

+ Ở nét tính cách hung bạo, Nguyễn Tuân tập trung ở những điểm sau: Đá bờ sông dựng vách thành, cảnh mặt ghềnh Hát Loóng, cái hút nước và quảng tà Mường Vát, âm thanh tiếng thác réo gầm, thạch trận mưu mô, hung ác.

+ Ở nét tính cách trữ tình, Nguyễn Tuân tập trung ở những điểm sau: Sông Hương mang vẻ đẹp như tiên giáng trần (tuôn dài như một áng tóc trữ tình…), màu nước sông biến đổi theo mùa (xuân – xanh, thu – đỏ, và chưa từng có màu đen…), có khi như một cố nhân, cảnh ven bờ thấm đẫm chất thơ (màu nắng tháng ba Đường thi), cảnh dòng sông trầm mặc nét đẹp cổ thi (gọi về đời Lý – Trần đời Lê) nhưng cũng tràn đầy sức sống với cảnh hoa cỏ ven bờ.

+ Khi phân tích, học sinh cần chú ý làm rõ Nguyễn Tuân đã vận dụng các kiến thức phong phú về lịch sử, địa lí, võ thuật, điện ảnh, hội hoạ, điêu khắc… và cả cách miêu tả thông qua việc vận dụng lối so sánh, liên tưởng, nhân hóa độc đáo và đầy táo bạo trong quá trình ghi chép, miêu tả lại con sông Đà. Cách miêu tả, ghi chép như thế, Nguyễn Tuân đã biến con sông thiên nhiên thành một hình tượng nghệ thuật với nét tính cách vừa hung bạo vừa trữ tình. Đây cũng là đặc trưng của thể kí cũng như phong cách viết kí (tùy bút) của Nguyễn Tuân.

– Hình tượng người lái đò sông Đà: Học sinh cần lưu ý: Nguyễn Tuân chọn cách tiếp cận con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. Vì thế mà một người lái đò – một người lao động bình thường, vô danh trên miền sông nước, qua ngòi bút của Nguyễn Tuân mà trở thành một người nghệ sĩ, một tay lái ra hoa.

+ Để thấy được vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ của nhân vật người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật vào tình huống thử thách: cuộc chiến không cân sức giữa một ông lão có tuổi với thiên nhiên sông nước hung bạo qua ba vòng vậy thạch trận. Học sinh phân tích trận chiến cam go và đầy quyết liệt giữa ông lão lái đò trong ba vòng vây thạch trận. Ở điểm này, học sinh càng làm nổi bật được sự ma mãnh, xảo quyệt của thạch trận càng làm nổi bật được tài năng của ông lão lái đò – “chất vàng mười đã qua thử lửa” của người lao động bình dị, vô danh vùng sông nước miền tây, mà cụ thể là trên sông Đà. Đồng thời sự chiến thắng vẻ vang của người lái đò còn phản ánh quá trình lao động và chinh phục thiên của người lao động trong thời kì xây dựng xã hội mới ở miền Bắc.

+ Và so với những nhân vật trước Cách mạng tháng Tám – 1945, nhất là trong Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân chủ yếu đi tìm vẻ đẹp tài hoa một thời còn vang bóng, họ là những người tri thức, chữ nghĩa như Huấn Cao. Nhưng với Người lái đò sông Đà, để hòa chung vào không khí xây dựng xã hội mới, Nguyễn Tuân hướng ngòi bút mình đến những con người lao động bình dị, vô danh nhưng lại toát lên vẻ đẹp phi thường của người nghệ sĩ tài hoa. Đây là một khám phá mới mẻ, độc đáo nhưng lại mang hơi thở lịch sử, thời đại.

– Về nghệ thuật:

Nguyễn Tuân đã vận dụng kiến thức bách khoa về văn hóa, thể thao điện ảnh,… những biện pháp nghệ thuật độc đáo, nhất là so sánh và nhân hóa trong quá trình ghi chép, tái hiện con sông Đà và xây dựng hình tượng người lái đò. 

Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn ôn tập môn ngữ văn thật tốt trong kỳ thi sắp tới nhé! Chúc các bạn thành công và đừng quên theo dõi trang để có thêm thật nhiều kiến thức hay và bổ ích nhé!

***Xem thêm: Hướng dẫn phân tích 1 tác phẩm văn học