Phân tích hình tượng nhân vật người vợ nhặt trong tác phẩm “Vợ nhặt” – Kim Lân

1769
Phân tích hình tượng vợ nhặt trong tác phẩm vợ nhặt
Rate this post

PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NGƯỜI VỢ NHẶT TRONG TÁC PHẨM “VỢ NHẶT” – KIM LÂN

Tác phẩm Vợ nhặt của tác giả Kim Lân là một trong những tác phẩm rất quan trọng trong chương trình văn học 12 và được rất nhiều giáo viên ôn tập trọng tâm cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đánh giá năng lực.

***Tham khảo thêm: Phân tích tác phẩm Vợ nhặt

Trong tác phẩm, người vợ nhặt là một trong những hình tượng quan trọng đóng góp vào sự thành công của tác phẩm trên. Hãy cùng tìm hiểu về nhân vật này.

Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân: Là một trong những nhà văn xuất sắc trong nền văn học hiện thực Việt Nam. Bằng hành văn mộc mạc, chất phác Kim Lân đã diễn tả lại cuộc sống khó khăn, khổ cực nhưng không kém phần lạc quan, yêu đời và hướng về sự tốt đẹp trong tương lai của người lao động.

Tác phẩm “Vợ nhặt” được ra đời vào nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nhân vật “vợ nhặt” được Kim Lân xây dựng để khắc họa cho những nạn nhân bần cùng, cơ cực trong nạn đói, nhưng đứng ngay tại ranh giới giữa cái chết  họ vẫn khát khao về gia đình, vẫn yêu thương, đùm bọc đỡ đần lẫn nhau.

 

Thân bài

Xuất thân, lai lịch của người vợ nhặt

Thị không rõ tên tuổi, xuất thân, lai lịch, không quê hương, không gia đình, không nhà cửa -> Thể hiện số phận rẻ rúng của con người, phải tha hương cầu thực, phiêu bạt cuộc sống lê la, mai đây mai đó trong nạn đói.

Trước khi gặp Tràng, Thị cùng với mấy chị con gái ngồi vêu ở cửa nhà kho thóc đợi nhặt hạt rơi vãi -> Thị là nạn nhân của nạn đói với số phận hẩm hiu, bi thương, cuộc sống bấp bênh không nghề nghiệp 

Ngoại hình của người vợ nhặt

Thị được miêu tả với ngoại hình “gầy sọp”, “quần áo tả tơi như tổ đỉa”, “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt trũng hoáy”, “cái ngực gầy lép nhô lên” -> nạn đói tàn phá làm con người trở nên nhếch nhác, thê thảm.

Không chỉ tàn phá về ngoại hình, nạn đói còn làm con người biến dạng nhân phẩm, tính cách của bản thân. Thị vì đói mà “chao chát”, “chỏng lỏn”, “chua ngoa, đanh đá”. Thị “cong cớn”, “sưng sỉa” mắng Tràng để được mời “ăn một chặp bốn bát bánh đúc” -> Nạn đói làm Thị đánh mất đi sự dịu dàng, e thẹn vốn có của người con gái, chỉ cần được ăn kéo dài sự sống người đàn bà không cần ý tứ, lòng tự trọng.

Lòng ham sống của Thị

Khi Tràng động lòng thương, nửa đùa nửa thật “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.” thì Thị lại im lặng đồng ý không chút phân vân do dự. Người đàn bà chấp nhận theo Tràng mà không cần sính lễ, chả hay Tràng là người tốt hay xấu, lai lịch gốc tích của Tràng ra sao. -> Khi cận kề với cái chết, Thị không hề buông xuôi mà vẫn khát khao bám lấy sự sống, ước mong có một mái ấm gia đình.

Thị là người biết điều, ý tứ

Người đàn bà xấu hổ, ngượng nghịu “chân nọ bước díu cả vào chân kia… cái nón rách tàng che nửa khuôn mặt” khi theo chân Tràng về nhà bà cụ Tứ.

Quyết tâm không phải sống cuộc sống lay lắt, đầu đường xó chợ, tha phương cầu thực, Thị rón rén e thẹn về theo Tràng. Khi thấy hoàn cảnh nhà của tồi tàn, khó khăn nhà Tràng Thị “nén một tiếng thở dài” dù thất vọng, ngao ngán nhưng thị vẫn chấp nhận hiện thực. Tiếng thở dài như vừa thất vọng, vừa lo lắng cho tương lai, vừa là bổn phận, trách nhiệm của Thị về gia đình chồng. 

Vào trong nhà, Thị thẹn thùng, e dè “ngồi mớm” vào mép giường. Thị lễ phép chào hỏi bà cụ Tứ, khi Tràng thưa chuyện với mẹ, Thị chỉ biết “đứng vân vê tà áo đã rách bợt” 

Thị còn là một người phụ nữ biết lo toan, đúng mực

Sáng hôm sau ngủ dậy, Thị dậy từ sớm để dọn dẹp, vun vén nhà cửa cùng mẹ chồng, không còn tỏ ra vẻ cong cớn, chua ngoa mà trở nên nữ tính, biết lo toan hơn.

Lúc cầm bát cháo cám “mắt thị tối lại” nhưng thị vẫn thản nhiên và vào miệng -> thể hiện thái độ nể nang, ý tứ trước mẹ chồng.

Thị còn thắp lên hy vọng, sinh khí mới cho cuộc đời của mẹ con Tràng về những người dân phá kho thóc Nhật chia cho người đói.

 

Kết bài

Bằng lối kể chuyện tự nhiên, tình huống câu truyện độc đáo, sinh động Kim Lân đá khắc họa giá trị hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm vô cùng sâu sắc. Đặc biệt là nhân vật vợ nhặt – dù bị dồn tới cuộc sống khốn cùng nhưng vẫn luôn khát khao cuộc sống gia đình hạnh phúc, hy vọng vào tương lai tươi sáng.

Hy vọng bài phân tích trên sẽ giúp các bạn có thể nắm được những ý chính nhất khi phân tích hình tượng người vợ trong tác phẩm Vợ nhặt phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPTthi đánh giá năng lực sắp tới.