Bức tranh Tứ Bình trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

1843
hướng dẫn phân tích bức tranh tứ bình
Rate this post

Dưới đây là dàn ý chi tiết phân tích bức tranh Tứ bình trong bài thơ “Việt Bắc” \ của tác giả Tố Hữu để giúp các bạn học tốt môn ngữ văn lớp 12 cũng như hệ thống cho các bạn những kiến thức cơ bản nhất phục vụ cho ôn thi tốt nghiệp THPT.

Mở bài

Khái quát đôi nét về nhà thơ Tố Hữu: là một trong những nhà thơ trữ tình chính trị, đậm màu sắc dân tộc tiêu biểu.

Giới thiệu về bài thơ “Việt Bắc”: Là một trong những bài thơ đậm sắc màu dân tộc, tiêu biểu cho phong cách thơ của ông. Bài thơ là niềm nhớ thương, tình cảm gắn bó keo sơn, son sắt giữa người dân núi rừng Việt Bắc với chiến sĩ, với Đảng và bác Hồ, đồng thời cũng thể hiện sự bịn rịn, quyến luyến, ân tình sâu nặng giữa người lính với con người và thiên nhiên núi rừng Việt Bắc.

Những vần thơ tuyệt bút trong tác phẩm là bức tranh tứ bình tuyệt sắc.

Thân bài

Hoàn cảnh sáng tác: Sau chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ, các khối cơ quan trung ương của Đảng và chính phủ chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội. Trong bối cảnh chia tay bịn rịn luyến lưu giữa người đi kẻ ở, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ Việt Bắc.

Bức tranh tứ bình được diễn tả trong những câu thơ của người ra đi gửi người ở lại, là lời giãi bày nỗi nhớ, tình cảm về thiên nhiên và con người Việt Bắc.

Khung cảnh mùa đông

Tố Hữu sử dụng bút pháp chấm phá một cách tài tình “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” – giữa nền xanh bao la tĩnh lặng của núi rừng mênh mông là màu đỏ tươi của những bông hoa chuối gợi lên liên tưởng của ngọn đuốc đang bừng cháy để nhen nhóm xua đi cái lạnh của mùa đông.

Hình ảnh tia nắng ánh lên từ con dao gài thắt lưng trong câu thơ “Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” diễn tả dáng vẻ khỏe khoắn, hăng say gắn bó với công việc của người lao động muốn làm chủ thiên nhiên và cuộc sống.

Khung cảnh mùa xuân

Bức tranh mùa xuân với màu trắng dìu dịu tinh khiết của hoa mơ ngập tràn, mùa xuân đến làm bừng lên sức sống mới phủ khắp cả cánh rừng được diễn tả qua câu thơ “ngày xuân mơ nở trắng rừng”. Trong khung cảnh ấy xuất hiện người lao động với sự tài hoa, cần mẫn chau chuốt, nhẫn nại mà khéo léo “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang” để tạo ra thành phẩm đẹp cho đời.

Khung cảnh mùa hè

“Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình”

Bức tranh mùa hè được hiện lên với âm thanh và màu sắc vô cùng ấn tượng. Tiếng ve râm ran như khúc nhạc rộn rã làm vang động rừng phách đang đổ vàng. Động từ “đổ” được Tố Hữu sử dụng vô cùng tài tình và đắt giá, diễn tả khung cảnh khu rừng phách đang xanh tươi bỗng chuyển vàng bởi muôn ngàn cánh hoa vàng óng ả. Trong thảm rừng vàng ý, Tố Hữu nhớ đến “cô em gái” (- một cách gọi yêu thương) đang chăm chỉ, tần tảo hái măng. 

Khung cảnh mùa thu

“Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

Mùa thu được hiện ra bởi ánh trăng hòa bình chiếu rọi cả khu rừng vào thu. Ánh trăng hòa bình là niềm xúc động của con người được sống trong hòa bình qua bao năm đấu tranh, kháng chiến kiên cường, gian khổ. Tiếng hát ân tình ngân nga trầm bổng vọng khắp cả khu rừng đang thấm đẫm ánh trăng làm rạo rực lòng người. Tiếng hát là sự chân thành mộc mạc, tấm lòng thủy chung son sắt, nặng ân tình.

 

Kết bài

Cảm nhận khái quát về bức tranh tứ bình: Là bức tranh tuyệt sắc hòa quyện hài hòa giữa thiên nhiên và con người, gợi sự hoài niệm thương nhớ da diết không nguôi.

Bằng thể thơ lục bát gần gũi, bình dị Tố Hữu đã ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên và tình cảm gắn bó, thắm thiết keo sơn giữa người dân Việt Bắc và người lính.

Trên đây là dàn bài ngắn gọn và cô đọng nhất giúp các bạn có thể dễ dàng triển khai ý trong bài làm của mình. Hy vọng rằng, bài viết trên sẽ giúp các bạn phát triển tư duy lập dàn ý phục vụ cho các dạng bài phân tích tác phẩm văn học nói riêng cũng như cho ôn tập thi tốt nghiệp THPT nói chung.